Nguồn gốc, ý nghĩa và cách chăm sóc Cây Hoa Đào – TFlower Shop

Nếu Hoa Mai là biểu tượng của ngày Tết trong Nam với sắc vàng rực rỡ thì ngoài Bắc cũng chào đón Tết đến xuân sang bằng những cành Đào dịu dàng nhưng không kém phần đằm thắm trong tiết trời se lạnh.  Hình ảnh những cành Hoa Đào nở rộ khoe sắc giữa tiết trời xuân như tô điểm thêm cho khung cảnh đầm ấm, hân hoan đón chào một năm mới lại đến trong mỗi gia đình. Trong bài viết này, hãy cùng TFlower khám phá những điều thú vị về nguồn gốc cũng như cách trồng và chăm sóc loài hoa quốc dân này nhé.

Hoa đào
Hoa Đào – Nét đẹp dịu dàng chào xuân

1. Nguồn gốc, Sự tích và Đặc điểm của Cây Hoa Đào

1.1 Nguồn gốc – Giới thiệu về Cây Hoa Đào

Hoa Đào lần đầu tiên được biết đến ở vùng đất Ba Tư, trải qua thời gian được người dân lai tạo và dần phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mông Cổ, Trung Quốc, Lào,… Tại Việt Nam, Hao Đào được coi như biểu tượng của mùa xuân, là dấu hiệu đơn giản và dễ thấy nhất để bất kỳ người con xứ Bắc nào cũng cảm nhận được hương vị Tết đang gần kề bên những cánh đào đỏ thắm. 

Nguồn gốc hoa đào
Nguồn gốc của Cây Hoa Đào

Văn hóa chơi Hoa Đào ngày Tết tại nước ta đã có từ lâu đời, gắn liền với không chỉ đời sống sinh hoạt của người dân mà còn xuất hiện cả trong thơ ca và truyền thuyết xưa. Thuở xa xưa, ở phía Đông của vùng núi Sóc Sơn có một Cây Hoa Đào mọc từ rất lâu đời với cành lá khỏe mạnh, rậm rạp; hoa nở hồng rực cả một góc trời; cả một vùng rộng được che phủ dưới tán cây lộng lẫy. Tương truyền rằng, có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ tại cây Hoa Đào này và ngày ngày chăm lo cho đời sống của nhân dân, diệt trừ yêu ma, quỷ quái, bảo vệ dân lành khỏi những rủi ro, tai họa và giúp họ có được cuộc sống bình an, ấm áp. Đặc biệt, lũ yêu ma quỷ dữ này cũng bởi khiếp sợ quyền năng của 2 vị thần mà cũng rất sợ luôn cả Cây Đào nơi thần linh trú ngụ; chỉ cần chúng nhìn thấy Cây Đào nở hoa rực rỡ là sẽ bỏ chạy. 

Tuy nhiên, cứ mỗi dịp cuối năm Ngọc Hoàng sẽ triệu tập các vị thần linh về chầu Trời, trong đó có cả 2 vị thần ở Cây Hoa Đào này. Cũng bởi vắng bóng 2 vị thần nên lũ yêu ma lại có dịp tác oai tác quái, chớp lấy cơ hội hoành hành cuộc sống người dân. Để bảo vệ gia đình yên ấm cũng như ngăn cho lũ yêu tinh phá hoại, người dân đã nghĩ ra cách để những cành Đào ở trong nhà mỗi dịp cuối năm, Tết đến xuân về. Họ đến bên Cây Đào tiên  và xin những cành Đào nhỏ để mang về nhà trồng hoặc cắm vào lọ nhằm mục đích giữ lấy những may mắn và sức mạnh mà thần linh để lại. Cho đến bây giờ, có rất ít người còn nhớ đến sự tích về Cây Đào do không còn tin vào ma quỷ hay thần linh như thời xưa. Tuy nhiên,  không ai bảo ai nhưng dường như tất cả mọi người vẫn luôn duy trì văn hóa cắm Đào ngày Tết để mong cầu những điều may mắn, tốt đẹp đến cho gia đình; để tất cả người thân trong nhà đều được thần linh bảo vệ và che chở. Hiểu đơn giản hơn, chỉ cần nhìn thấy nụ Hoa Đào chúm chím trên cành là người ta đã cảm nhận được ngay không khí ấm áp, sum vầy đoàn tụ mỗi dịp Tết về. 

1.2 Đặc điểm của Cây Hoa Đào

Cây Hoa Đào có tên khoa học là Prunus Persica, thuộc loại cây thân gỗ nhỏ và thường được trồng làm cảnh hoặc lấy quả. Thân Cây Hoa Đào có màu xanh hoặc đỏ tía, thường cao từ 1 – 10m; rễ cây là loại rễ cọc, phân nhánh nên có khả năng chịu hạn tốt và chịu úng kém. Lá cây có màu xanh mướt mắt, có hình mũi mác hoặc elip, mặt dưới có các gân lá nổi, chỉ dài từ 7 – 15cm và rộng khoảng 2 – 3cm, xanh tốt vào mùa xuân và rụng nhiều vào mùa thu. 

Đặc điểm hoa đào
Đặc điểm của cây Hoa Đào

Hoa Đào có 2 dạng là hoa cánh đơn và hoa cánh kép, khi nở cánh hoa sẽ nở rộng để lộ phần nhị màu vàng ở giữa. Hoa Đào thường có kích thước nhỏ, chỉ từ 2.5 – 3cm và có các màu phổ biến như hồng đậm, hồng nhạt. Đặc biệt, cánh hoa rất mỏng và nhẹ, mềm mịn kết hợp hoàn hảo tạo nên vẻ đẹp yêu kiều, dịu ngọt của Hoa Đào. Ngoài ra, giống Đào được trồng để làm cảnh thì hoa sẽ to, màu sặc sỡ và quả nhỏ, có vị đắng chát. Ngược lại, cây Đào trồng lấy quả sẽ có quả to, có 1 hạt rỗng bọc trong lớp gỗ cứng, thường có màu trắng hoặc xanh, ngoài vỏ sẽ có 1 lớp lông tơ mềm mại, ăn rất thơm và ngọt. 

Nét đẹp đặc biệt ở hoa đào
Nét đẹp dịu dàng cuốn hút của Hoa Đào Hà Giang

Hoa Đào thường được trồng để làm cây trang trí trong các dịp Tết cổ truyền, thậm chí người xưa còn quan niệm rằng chưa thấy Đào là chưa thấy Tết. Loài hoa này cũng mang ý nghĩa tâm linh vô cùng to lớn, tượng trưng cho những điều may mắn, hạnh phúc, đoàn viên; ngoài ra theo sự tích xưa thì Hoa Đào còn được coi như một hình thức hữu hiệu để xua đuổi bách quỷ, gìn giữ sự yên bình, an khang thịnh vượng trong mỗi gia đình. Đặc biệt, trong đông ý Hoa Đào cũng được biết đến là một cây thuốc quý có tác dụng lớn trong điều trị nhuận tràng, điều hòa chức năng của cơ quan hô hấp như giảm ho, chữa bế kinh, đau bụng kinh, cao huyết áp, viêm ruột thừa, tụ huyết do chấn thương và điều trị chứng tắc nghẽn mạch máu. Cụ thể hơn, rễ cây Đào được dùng để chữa sưng đau hoặc sắc nước uống chữa viêm gan vàng da; nhựa thân cây Đào được sử dụng để chữa kiết lỵ, đái tháo đường; cành Đào có thể dùng chữa bệnh sốt rét; lá cây chữa viêm âm đạo hay đun lên để tắm chữa bệnh ngứa, ghẻ;… Có thể thấy, Hoa Đào không chỉ mang lại hương sắc xuân mà mỗi bộ phận lại có thể sử dụng phục vụ cho y học rất hiệu quả.

2. Các giống Hoa Đào nổi tiếng hiện nay

2.1 Cây Hoa Đào Bích

Hoa Đào Bích là giống Đào được trồng phổ biến tại nước ta và thường xuất hiện tại hầu hết các tỉnh thành miền Bắc. Cây Đào Bích có khả năng sinh trưởng tương đối tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, hoa sẽ nở mạnh hơn khi gặp thời tiết ấm, nóng. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của Hoa Đào Bích chính là màu đỏ hồng rực rỡ vô cùng nổi bật của những cánh hoa, cây có nhiều nụ, nhiều lá và sẽ không tạo thành quả.. Đặc biệt, Hoa Đào Bích khi nở sẽ dày cánh, lâu tàn nên rất được ưa chuộng để trồng đón Tết tại nhà hay cơ quan, văn phòng. 

Hoa đào bích
Cây Hoa Đào Bích

2.2 Cây Hoa Đào phai

Ngoài Hoa Đào Bích thì Hoa Đào Phai cũng là một loại Đào được dùng trang trí nhiều trong dịp Tết tại miền Bắc nước ta. Hoa Đào Phai có màu hồng nhạt, cánh mỏng và mang nét đẹp dịu dàng, nhẹ nhàng hơn hẳn so với các loại Đào khác. Một trong những lý do mà mọi người thích chơi Đào Phai vào dịp Tết là bởi giống Đào này rất dễ trồng, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, nhiều nụ, nở hàng loạt rất đẹp mắt. Hoa Đào Phai sẽ gồm nhiều lớp cánh hoa xếp chồng lên nhau, thường có từ 15 – 20 cánh nhỏ, nhờ vậy mà khả năng bông nở xòe cũng lớn và dễ dàng hơn. 

Hoa đào phai
Cây Đào Phai Đông Sơn khoe sắc dịp Tết đến

2.3 Cây Hoa Đào Sapa

Cây Hoa Đào Sapa hay còn được biết đến với cái tên thân thuộc hơn là Bạch Đào. Đây là một loài cây quý hiếm, khó tìm, khó trồng và khó nuôi dưỡng. Cũng bởi vậy mà tại các làng hoa truyền thống tại Hà Nội như Nhật Tân, Phú Thượng, Xuân ĐỈnh cũng chỉ còn sót lại 2 nhà có trồng Bạch Đào. Những bông Hoa Đào trắng muốt như tuyết lại mang theo mùi hương phảng phất về đêm tựa như mùi phấn rôm trẻ con sẽ là một trong những trải nghiệm thú vị mà bạn nên một lần ghé thăm. 

Hoa đào Sapa
Cây Hoa Đào Sapa

2.4 Cây Hoa Đào Thất Thốn

Đào Thất Thốn là một trong những loại hoa dịp Tết vô cùng đắt đỏ, mỗi chậu hoa có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng; trước đây chỉ được sử dụng để cung tiến lên vua chúa. Bông Hoa Đào Thất Thốn có hình dáng tương đối nhỏ, kích thước chỉ như những chậu bonsai nhỏ với chiều cao trung bình từ 60 – 100cm. Sở dĩ giống Đào này lại được gọi với cái tên Đào Thất Thốn là bởi mỗi đoạn thân chỉ dài khoảng 7 đốt ngón tay, mỗi “thốn” thường chỉ có 7 bông hoa với nụ trải dài từ phần thân đến cành.  Hoa Đào Thất Thốn khi nở sẽ không nở đồng loạt, chỉ điểm chấm trên nền xanh của lá và thân cây khẳng khiu; tất cả tạo nên vẻ đẹp kiêu kỳ, đằm thắm cực kỳ thu hút.

Hoa đào thất thốn
Cây Hoa Đào Thất Thốn

2.5 Cây Hoa Đào má hồng Đà Lạt

Đào Má Hồng Đà Lạt hay còn được gọi là Đào Lông hoặc Đào Vạn Trượng. Đây là loài hoa đào với cấu trúc cánh kép, thường sẽ có khoảng 25 cánh chụm lại. Đào Má Hồng được yêu thích bởi hoa nở có màu hồng hây hây như đôi má thiếu nữ, hoa giữ được lâu và có mùi thơm rất đặc trưng, cuốn hút. 

Hoa đào Đà Lạt
Cây Hoa Đào má hồng Đà Lạt

2.6 Cây Hoa Đào đá

Đây là loại thực vật mọc lâu năm trong rừng sâu nên thường có thân xù xì, cành lá to khỏe, là nơi ký sinh của nhiều loại thực vật khác tạo nên hình dáng đặc biệt của cây. Cũng bởi điều kiện sinh trưởng và phát triển hoàn toàn khác so với các giống Đào khác nên Đào Đá cho hoa ít hơn nhưng đổi lại hoa sẽ to và có 5 cánh nở bung rất đẹp mắt.

Hoa đào đá
Cây Hoa Đào Đá

2.7 Cây Hoa Đào Mộc Châu

Mỗi dịp Tết đến xuân về, trên những vách núi, bên nhà những người dân tại miền đất Mộc Châu xinh đẹp lại được tô thêm sắc màu nhờ những bông Hoa Đào nở rộ. Những cây Hoa Đào Mộc Châu mọc lên từ nền đất đá cằn cỗi hoặc những triền đồi, cành Đào không có thế cụ thể; thân cây mốc meo đầy địa y, rêu phong và vươn tự nhiên theo ánh mặt trời tạo nên sức hút đối với bất kỳ ai ghé thăm. Những bông hoa Đào khi nở có 5 cánh phớt hồng tự tin khoe sắc giữa tiết trời giá rét của núi rừng như giữ trọn vẹn được nét nguyên sơ, nhẹ nhàng và sâu lắng.

Hoa đào mộc châu
Mùa Hoa Đào Mộc Châu

3. Ý nghĩa của Hoa Đào

Hoa Đào dường như đã gắn liền với dịp Tết đến xuân về, là dấu hiệu rõ ràng nhất báo hiệu dịp sum vầy đã đến, là tiềm thức in sâu của mỗi người con Việt Nam. Tuy nhiên, Hoa Đào còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn thế. Như các bạn đã biết, Cây Hoa Đào là một loại cây có sức sống vô cùng mãnh liệt, dù là tiết trời giá rét ở miền núi xa xôi hay tiết trời se lạnh đồng bằng, Hoa Đào cũng vươn lên mạnh mẽ và tự tin khoe sắc thắm. Bởi vậy, Hoa Đào chính là biểu tượng cho sự trường tồn, sự sinh sôi nảy nở không ngừng. Không chỉ vậy, với mỗi gia đình Hoa Đào còn mang ý nghĩa là sự gắn kết của các thành viên trong gia đình, khi mọi người cùng nhau quây quần bên mâm cơm Tết, kể cho nhau nghe những câu chuyện đã qua và cùng cầu chúc một năm mới hạnh phúc, an yên.

Ý nghĩa hoa đào
Hoa Đào tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở

Hoa Đào nở rộ vào dịp Tết cũng giống như mang lại nguồn sinh khí mới cho tất cả thành viên trong gia đình để khởi đầu một năm mới với nhiều sức khỏe, may mắn và vạn sự như ý. Ngoài ra, theo tích xưa, Hoa Đào cũng tượng trưng cho tình bạn thân thiết, bền chặt giống như Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi đã cùng kết nghĩa huynh đệ trong vườn đào. Đặc biệt, nhờ vẻ đẹp yêu kiều, nhẹ nhàng của mình mà Hoa Đào còn được ví như nét đẹp của người con gái xứ Bắc với sự dịu dàng, thủy chung, đằm thắm.

4. Cách trồng và chăm sóc cho Cây Hoa Đào

4.1 Hướng dẫn cách ghép cành nhân giống Cây Hoa Đào

Nhìn chung, kỹ thuật ghép cành nhân giống Cây Hoa Đào tương đối đơn giản, phương pháp này cũng sẽ rút ngắn thời gian hơn so với việc gieo hạt. Khi ghép cành, bạn nên chú ý chọn những cành khỏe mạnh, không sâu bọ, có tuổi thọ ít nhất từ 1 năm để đảm bảo cây có đủ nền tảng phát triển nhanh và tốt. Khi tiến hành ghép, bạn tiến hành cắt đoạn từ 6 – 10cm, chú ý bỏ đi các phần ngọn và mầm yếu và chỉ giữ lại từ 2 – 3 mắt. Sau đó, bạn cắt cây gốc ghép bằng cách rạch một vết dao nghiêng 45 độ lên trên để cắt đi ⅓ lớp gỗ ở phần gốc ghép trơn nhẵn (chọn đoạn dài khoảng 3 – 4cm); tương tự đối với chồi ghép và áp mặt cắt của chồi ghép vào gốc ghép. Nếu như bạn cắt ghép cành thì nên đặt mặt dài của cành ghép vào trong và dùng nilon tự phân hủy quấn chặt từ dưới lên quanh vết ghép để cố định. 

Cách trồng đào
Hướng dẫn cách ghép cành nhân giống Cây Hoa Đào

Ngoài ra, bạn cũng có thể tiến hành nhân giống cây Hoa Đào bằng phương pháp ghép mắt nhỏ có gỗ. Đầu tiên, bạn chọn gốc ghép có chiều cao khoảng 20 – 25cm so với mặt đất và cắt lấy mắt ghép bằng cách cắt vết cắt ở gốc sao cho bằng với kích thước của cành ghép, lưu ý cách mắt dưới khoảng 1/2cm. Tiếp đó bạn cấy mắt ghép vào gốc và cuốn chặt bằng nilon để cố định là đã hoàn thành việc ghép mắt. Từ 2 – 4 tuần, cành ghép sẽ phát triển và có thể cắt tháo dây buộc. 

4.2 Kỹ thuật chăm sóc Cây Hoa Đào ngày Tết

Sau khi có được Cây Hoa Đào nhân giống, bạn tiến hành trồng vào trong chậu hoặc trồng ở vườn. Để Đào nở hoa vào đúng dịp Tết bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Bón phân: Để Hoa Đào nở đúng dịp Tết bạn lưu ý không bón phân, tưới nước muộn từ tháng 10 trở đi. Việc tưới nước cũng cần chú ý phụ thuộc vào thời tiết để chọn tưới nước ấm hoặc nước lạnh; muốn Hoa Đào nở sớm thì nên tưới nước ấm và ngược lại.
  • Tuốt lá: Ngoài việc bón phân thì tuốt lá cũng là việc quan trọng để đảm bảo việc phát triển và ra hoa của cây. Bạn nên tiến hành tuốt lá vào khoảng 2 tháng trước Tết, chú ý không làm mất phần chân lá dính vào cành nếu không sẽ làm mất mầm hoa.
  • Đảo cây Đào: đây thực chất là việc bạn chuyển cây Đào sang một hố khác và lấp chặt gốc, đối với từng loại Đào khác nhau sẽ có thời gian chuyển hố mới khác nhau; ví dụ như Đào Bích sẽ đảo vào khoảng ⅛ âm lịch, Đào Phai đảo cây vào 20/7, Đào Thất Thốn đảo cây vào 1/7.
Cách trồng cây hoa đào
Kỹ thuật chăm sóc Cây Hoa Đào ngày Tết

4.3 Mẹo kích thích Hoa Đào nở nhanh

Để kích thích Hoa Đào nở nhanh hơn bạn có thể tham khảo một trong những cách dưới đây hoặc kết hợp để có kết quả như mong muốn:

  • Sử dụng bóng đèn để tăng nhiệt độ, tạo không gian ấm áp thúc đẩy hoa nở nhanh hơn.
  • Tưới nước ấm khoảng 45 – 50 độ C xung quanh gốc cây, tiến hành tưới từ 3 – 5 lần/ngày.
  • Sử dụng phân lân và phân kali pha loãng với nước sau đó tưới đều quanh gốc Đào.
Cách trồng cây đào
Mẹo kích thích Hoa Đào nở nhanh

4.4 Cách hãm Hoa Đào nở chậm lại

Điều kiện khí hậu sẽ ảnh hưởng đến khả năng ra hoa sớm hay muộn của Hoa Đào, bởi vậy nếu bạn muốn hãm hoa nở chậm lại cho đúng dịp Tết đến thì có thể tham khảo một số cách dưới đây:

  • Tưới nước lạnh cho cây để giảm nhiệt độ, bạn có thể tưới từ tán cây hoặc tưới lên thân gốc cây.
  • Sử dụng giàn che nắng để hạn chế cây tiếp xúc với ánh mặt trời có nhiệt độ cao kích thích hoa nở; sau đó dùng phân ure 1% pha loãng với nước và tưới vào gốc cây.
cách trồng đào
Cách hãm Hoa Đào nở chậm lại

4.5 Cách giữ Hoa Đào tươi lâu ngày Tết

Chắc hẳn bạn đọc cũng rất tò mò làm thế nào để giữ Hoa Đào tươi lâu ngày Tết, nếu vậy hãy cùng tham khảo ngay những cách hữu ích dưới đây nhé:

  • Hoa Đào cắm trong bình: đảm bảo dinh dưỡng, nhiệt độ cũng như thay nước thường xuyên cho cây, lưu ý đặt bình ở nơi có ít hướng gió và có ánh nắng dịu nhẹ đầy đủ.
  • Hoa Đào trồng trong chậu: Khi trồng nên chọn loại đất pha cát để có độ ẩm thích hợp và khả năng thoát nước tốt giúp cây không bị ngập úng; chú ý đặt cây ở những nơi có ít hướng gió, hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và tưới nước lạnh.

5. Một số hình ảnh Hoa Đào đẹp gửi tới bạn đọc

Đào thất thốn
Đào Thất Thốn nở rộ giữa trời đông
Hoa đào vùng cao
Hoa Đào nở rộ trên vùng cao
Bạch đào
Bạch Đào – Sắc trắng tinh khôi cuốn hút

Mong rằng với những thông tin hữu ích từ bài viết, bạn đọc đã hiểu được nguồn gốc cũng như ý nghĩa sâu sắc đến từ vẻ đẹp mỏng manh của cây Hoa Đào. Nếu bạn là một tín đồ mê cái đẹp và yêu thích nét đẹp cuốn hút của những loài hoa, đừng quên truy cập TFlower Shop để cùng chúng tôi khám phá những sự thật thú vị về thế giới loài hoa rộng lớn nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.